Cổng thông tin điện tử huyện Hậu Lộc
Tuyên truyền Kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2023)

       I. ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM RA ĐỜI NĂM 1930 MỞ RA BƯỚC NGOẶT LỊCH SỬ CỦA CÁCH MẠNG VIỆT NAM

       1. Bối cảnh ra đời Đảng Cộng sản Việt Nam

       1.1. Bối cảnh quốc tế cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX

       - Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, chủ nghĩa Mác - Lênin từ lý luận đã trở thành hiện thực, mở ra một thời đại mới - thời đại cách mạng chống đế quốc, thời đại giải phóng dân tộc. Cách mạng Tháng Mười Nga đã nêu tấm gương sáng trong việc giải phóng các dân tộc bị áp bức.

       - Sự ra đời của Quốc tế Cộng sản (Quốc tế III) vào tháng 3/1919 đã thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Đối với Việt Nam, Quốc tế Cộng sản có vai trò quan trọng trong việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin và thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

       1.2. Bối cảnh trong nước

       * Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng tấn công xâm lược và từng bước thiết lập bộ máy thống trị ở Việt Nam, biến một quốc gia phong kiến thành thuộc địa nửa phong kiến.

       * Tình hình giai cấp và mâu thuẫn cơ bản trong xã hội Việt Nam.

       - Các giai cấp, tầng lớp trong xã hội Việt Nam lúc này đều mang thân phận người dân mất nước và ở những mức độ khác nhau, đều bị thực dân áp bức, bóc lột. Vì vậy, trong xã hội Việt Nam, ngoài mâu thuẫn cơ bản giữa nhân dân, chủ yếu là nông dân với giai cấp địa chủ và phong kiến, đã nảy sinh mâu thuẫn vừa cơ bản vừa chủ yếu và ngày càng gay gắt trong đời sống dân tộc, đó là mâu thuẫn giữa toàn thể nhân dân Việt Nam với thực dân Pháp xâm lược. Tính chất của xã hội Việt Nam là xã hội thuộc địa nửa phong kiến đang đặt ra hai yêu cầu: Một là, phải đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược, giành độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân; Hai là, xoá bỏ chế độ phong kiến, giành quyền dân chủ cho nhân dân, chủ yếu là ruộng đất cho nông dân. Trong đó, chống đế quốc, giải phóng dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu.

       2. Nguyễn Ái Quốc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam

       2.1. Hoạt động của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chuẩn bị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam

       - Giữa lúc dân tộc ta đứng trước cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước, nhiều nhà yêu nước đương thời tiếp tục con đường cứu nước theo lối cũ thì ngày 05/6/1911 người thanh niên Nguyễn Tất Thành (tức là Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh sau này) xuất ngoại tìm đường cứu nước theo phương hướng mới. Người đã đi qua nhiều nước của châu Âu, châu Phi, châu Mỹ và đã phát hiện ra chân lý: Chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc thực dân là cội nguồn mọi đau khổ của công nhân và nhân dân lao động ở chính quốc cũng như ở các nước thuộc địa.

       - Từ năm 1921 đến năm 1930, Nguyễn Ái Quốc ra sức truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, chuẩn bị về lý luận cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Người nhấn mạnh: cách mạng muốn thành công phải có đảng cách mạng chân chính lãnh đạo; Đảng phải có hệ tư tưởng tiên tiến, cách mạng và khoa học dẫn đường, đó là hệ tư tưởng Mác-Lênin.

       2.2. Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam tháng 2/1930

       - Cuối năm 1929, những người cách mạng Việt Nam trong các tổ chức cộng sản đã nhận thức được sự cần thiết và cấp bách phải thành lập một Đảng Cộng sản thống nhất, chấm dứt tình trạng chia rẽ phong trào cộng sản ở Việt Nam. Nguyễn Ái Quốc đã chủ động tổ chức và chủ trì Hội nghị hợp nhất Đảng tại Hương Cảng, Trung Quốc từ ngày 6 tháng 1 đến ngày 7/2/1930.

       - Hội nghị đã quyết định hợp nhất các tổ chức Đảng (Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn) thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị thảo luận và thông qua các văn kiện: Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt và Điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản. Những văn kiện đó do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo, được Hội nghị hợp nhất Đảng thông qua là sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam. Hội nghị thông qua lời kêu gọi của Nguyễn Ái Quốc thay mặt Quốc tế Cộng sản và Đảng Cộng sản Việt Nam gửi đến đồng bào, đồng chí trong cả nước nhân dịp thành lập Đảng.

       - Hội nghị hợp nhất các tổ chức Cộng sản có ý nghĩa như là một Đại hội thành lập Đảng. Những văn kiện được thông qua tại Hội nghị hợp nhất do Nguyễn Ái Quốc chủ trì chính là Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng.

       - Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng đã quyết nghị lấy ngày 3 tháng 2 dương lịch hằng năm làm ngày kỷ niệm thành lập Đảng.

       3. Ý nghĩa của sự kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng

       - Hội nghị hợp nhất các tổ chức đảng cộng sản ở Việt Nam thành một Đảng Cộng sản duy nhất - Đảng Cộng sản Việt Nam - theo một đường lối chính trị đúng đắn, tạo nên sự thống nhất về tư tưởng, chính trị và hành động của phong trào cách mạng cả nước, hướng tới mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

       - Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là sự phát triển tất yếu của lịch sử, là kết quả của sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước ở Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã chấm dứt tình trạng khủng hoảng đường lối của cách mạng Việt Nam.

       Từ đó đến nay, 93 năm đã trôi qua, cách mạng Việt Nam trải qua biết bao thăng trầm, vượt qua biết bao gian nan, thử thách, từng bước đi lên, giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, lập nên nhiều kì tích vẻ vang.

       II. CHẶNG ĐƯỜNG 93 NĂM ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM LÃNH ĐẠO CÁCH MẠNG GIÀNH THẮNG LỢI VĨ ĐẠI, KHÔNG NGỪNG TRƯỞNG THÀNH VÀ LỚN MẠNH

       1. Thời kỳ đấu tranh giành chính quyền (1930 - 1945)

       - Đặc điểm của thời kỳ này là cách mạng Việt Nam đã có đội tiên phong lãnh đạo là Đảng Cộng sản với Cương lĩnh chính trị đúng đắn, đưa cách mạng nước ta phát triển theo xu thế của thời đại đã được mở ra từ cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga năm 1917.

       - Quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, giành chính quyền đã diễn ra với 3 cao trào cách mạng có ý nghĩa như 3 cuộc tổng diễn tập chuẩn bị cho cuộc Cách mạng Tháng Tám giành chính quyền về tay nhân dân: Cao trào cách mạng 1930 - 1931 mà đỉnh cao là Xô Viết Nghệ - Tĩnh, cao trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ (1936 - 1939) và cao trào giải phóng dân tộc dẫn tới Cách mạng Tháng Tám 1945 (1939 - 1945). Đó là quá trình đấu tranh cách mạng vô cùng khó khăn, gian khổ của Đảng và dân tộc ta.

       - Thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã chấm dứt sự thống trị của thực dân Pháp và phát xít Nhật xâm lược, xóa bỏ chế độ thực dân, phong kiến, mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc - kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, mở ra thời đại mới - thời đại Hồ Chí Minh.

       2. Thời kỳ bảo vệ và phát triển thành quả Cách mạng Tháng Tám, tiến hành 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược (1945 - 1975)

       - Năm 1945 - 1946, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo toàn dân vượt qua những khó khăn, thách thức nặng nề, chống thù trong, giặc ngoài, vừa kháng chiến vừa kiến quốc: xây dựng và củng cố vững chắc chính quyền nhân dân; bầu cử Quốc hội (6/1/1946); xây dựng Hiến pháp dân chủ đầu tiên (9/11/1946); chăm lo xây dựng chế độ mới, đời sống mới của nhân dân; chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm; tổ chức kháng chiến chống thực dân Pháp ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ với sự ủng hộ và chi viện của cả nước; kiên quyết trấn áp các thế lực phản cách mạng, bảo vệ chính quyền và thành quả Cách mạng Tháng Tám.

       Tháng 12/1946, trước dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa của thực dân Pháp, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động toàn quốc kháng chiến với quyết tâm: Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ. Với đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ kháng chiến; vừa kiến quốc vừa kháng chiến dựa vào sức mình là chính, đồng thời tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của bạn bè quốc tế, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta lần lượt đánh bại các kế hoạch chiến tranh của thực dân Pháp mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Thắng lợi của chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ và việc ký kết Hiệp định Giơnevơ năm 1954 đã chấm dứt sự thống trị của thực dân Pháp ở nước ta, mở đầu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên thế giới, giải phóng hoàn toàn miền Bắc, đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, làm hậu phương vững chắc cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

       - Từ năm 1954 đến năm 1975, Đảng lãnh đạo nhân dân ta tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng: Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam và cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Đây là đặc điểm mang tính đặc thù của cách mạng Việt Nam, cùng với mục tiêu độc lập dân tộc, mục tiêu xã hội chủ nghĩa được đặt ra trực tiếp.

        Đương đầu với một đế quốc hùng mạnh bậc nhất thế giới, chúng ta chủ trương đánh lâu dài; kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang và hoạt động binh vận; kết hợp tiến công và nổi dậy, tiến hành đấu tranh trên cả ba vùng (đồng bằng, thành thị và miền núi); kết hợp mặt trận quân sự, chính trị với mặt trận ngoại giao; phát huy cao độ chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và sức mạnh thời đại, quyết tâm giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh tàn bạo của đế quốc Mỹ, giành nhiều thắng lợi vẻ vang mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, kết thúc 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Thắng lợi của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là một trong những trang chói lọi nhất của lịch sử dân tộc và là một sự kiện có tầm quốc tế và có tính chất thời đại sâu sắc.

       Công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trên miền Bắc đã thu được những thành tựu quan trọng. Vừa sản xuất, vừa chiến đấu và chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến, miền Bắc đã nhanh chóng khôi phục và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, đánh thắng hai cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ; xây dựng hậu phương vững mạnh, trở thành căn cứ địa cách mạng của cả nước, bảo đảm mọi mặt cho tiền tuyến đánh thắng; mở rộng quan hệ đối ngoại, tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của các nước trên thế giới; tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước; tạo những cơ sở vật chất và những kinh nghiệm quý báu trong sự vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam sau này.

       3. Thời kỳ tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa trên cả nước, thực hiện công cuộc đổi mới đất nước từ năm 1975 đến nay

       Miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội với hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Thời kỳ này bao gồm hai giai đoạn chủ yếu:

       * Từ 1975 đến 1986:

       - Sau chiến tranh, đất nước ta gặp muôn vàn khó khăn. Đảng đã lãnh đạo nhân dân vừa ra sức khôi phục kinh tế vừa tiến hành hai cuộc chiến tranh chống xâm lược biên giới phía Bắc và Tây Nam, bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

       - Trước những thách thức của thời kỳ mới, Đảng ta đã tổng kết sáng kiến từ thực tiễn của nhân dân, tìm tòi, hoạch định đường lối đổi mới, thể hiện qua các mốc sau: Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 6, khoá IV (tháng 8-1979); Chỉ thị 100-CT/TW ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư về khoán sản phẩm trong nông nghiệp; Quyết định 25/CP ngày 21/1/1981 của Chính phủ về đổi mới quản lý kinh tế quốc doanh; Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 8, khoá V (tháng 6/1985) thừa nhận sản xuất hàng hoá và những quy luật của sản xuất hàng hoá; Kết luận của Bộ Chính trị (tháng 9/1986) về 3 quan điểm kinh tế trong tình hình mới. Đại hội VI của Đảng (tháng 12/1986) đã đưa ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, mở ra bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

       * Từ 1986 đến nay:

       - Dưới sự lãnh đạo của Đảng, qua hơn ba mươi năm đổi mới, từ ngày có Đảng, Việt Nam từ một nước thuộc địa nửa phong kiến đã trở thành một quốc gia độc lập tự do, phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa, có quan hệ quốc tế rộng rãi, có vị thế ngày càng quan trọng trong khu vực và thế giới. Nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước. Đất nước ta từ một nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu đã bước vào thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế.

       III. PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG VẺ VANG, NHỮNG BÀI HỌC KINH NGHIỆM LÃNH ĐẠO CÁCH MẠNG TRONG 93 NĂM, TÍCH CỰC XÂY DỰNG ĐẢNG TRONG SẠCH VỮNG MẠNH, ĐẤT NƯỚC NGÀY CÀNG GIÀU ĐẸP

       1. Những thành tựu vĩ đại

       Nhìn lại chặng đường đấu tranh oanh liệt của Đảng ta 93 năm qua, ôn lại những khó khăn, gian khổ cùng những thắng lợi vẻ vang dưới sự lãnh đạo của Đảng mà Nhân dân ta giành được, chúng ta càng trân trọng, nâng niu giữ gìn những thành quả cách mạng, càng thấm thía và biết ơn vô hạn công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu, chúng ta càng hiểu thêm, tin yêu và tự hào thêm về Đảng ta, Nhân dân ta, dân tộc ta. Chúng ta thành kính tưởng nhớ các bậc cách mạng tiền bối, các đồng chí lãnh tụ xuất sắc của Ðảng qua các thời kỳ, các chiến sỹ cộng sản kiên cường, các anh hùng liệt sỹ, các đồng chí, đồng bào đã hy sinh xương máu trong cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ của nhân dân ta vì sự trường tồn của dân tộc và sự phát triển của đất nước.

            Ra đời từ phong trào yêu nước, kết hợp với phong trào công nhân, được chủ nghĩa Mác-Lênin soi sáng, hoà mình vào thực tiễn đấu tranh của cách mạng, Đảng ta đã đảm nhận sứ mệnh lịch sử của dân tộc Việt Nam giao cho, một lòng tận trung với nước, tận hiếu với dân, luôn thể hiện là “đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc và của dân tộc Việt Nam”.

            Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện, sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân, nhân dân và dân tộc Việt Nam đã giành được những thắng lợi vĩ đại có ý nghĩa lịch sử và thời đại, đó là: Đó là thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 lập nên Nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hoà (nay là nước Cộng hoà XHCN Việt Nam); thắng lợi của các cuộc kháng chiến oanh liệt giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế; thắng lợi của công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.

       2. Những truyền thống quý báu của Đảng Cộng sản Việt Nam

       Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta xây dựng nên nhiều truyền thống quý báu, thể hiện bản chất tốt đẹp. Đó là:

       - Bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu, lý tưởng cách mạng; tinh thần độc lập tự chủ và sáng tạo; kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; trung thành với lợi ích giai cấp, lợi ích dân tộc, gắn bó mật thiết với nhân dân; kiên định nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Đảng; giữ gìn đoàn kết nội bộ, đoàn kết quốc tế …

       - Những truyền thống đó là sự kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, của giai cấp công nhân Việt Nam và giai cấp công nhân quốc tế trên một tầm cao mới của thời đại; là sức mạnh bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng. Đây cũng là kết quả của quá trình vun trồng, xây đắp bền bỉ, là sự hy sinh phấn đấu không mệt mỏi của các thế hệ đảng viên.

       - Những truyền thống ấy có ý nghĩa dân tộc và ý nghĩa quốc tế sâu sắc, thể hiện tinh thần cách mạng triệt để. Ngay từ khi mới ra đời, Đảng đã nắm bắt đúng xu thế phát triển của thời đại, gắn phong trào cách mạng Việt Nam với phong trào cách mạng thế giới, giải quyết đúng đắn vấn đề độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội. Trên con đường phát triển của cách mạng Việt Nam, Đảng ta đã không ngừng đưa ra những quyết sách phù hợp, đáp ứng yêu cầu lịch sử, vượt qua mọi thử thách, đưa nước nhà đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

       3. Những bài học kinh nghiệm của Đảng Cộng sản Việt Nam

       Thực tiễn lịch sử 93 năm qua đã chứng minh sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng dân tộc dân chủ, cách mạng xã hội chủ nghĩa và công cuộc đổi mới, Đảng ta đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm có giá trị lý luận và thực tiễn, đó là: bài học giữ vững mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong toàn bộ tiến trình phát triển của cách mạng; về đại đoàn kết dân tộc và xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất; về xây dựng liên minh vững chắc giữa công nhân với nông dân và trí thức; về vai trò của phương pháp cách mạng và lựa chọn phương pháp cách mạng đúng đắn; về lãnh đạo xây dựng và bảo về nhà nước, tăng cường bản chất cách mạng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền nhà nước; về đoàn kết quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại; về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.

            Những thắng lợi vĩ đại trong 93 năm qua kể từ ngày có Đảng lãnh đạo là minh chứng sinh động nhất về năng lực lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng và sức mạnh to lớn của nhân dân ta. Đảng không ngừng đổi mới, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trước bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến phức tạp. Đảng ta đã dành không ít thời gian và công sức cho công tác xây dựng Đảng, coi xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, được đặt ra trong nhiều nghị quyết, chỉ thị của Đảng.

Cùng chung dòng chảy lịch sử hào hùng của đất nước, lịch sử quang vinh của Đảng ta; ngay sau khi Đảng ra đời phong trào cách mạng ở các địa phương phát triển nhanh chóng. Ở Thanh Hóa, vào khoảng cuối tháng 6 đầu tháng 7 năm 1930 các chi bộ cộng sản Hàm Hạ (Đông Sơn); Thiệu Hóa, Thọ Xuân đã ra đời và vào ngày 29/7/1930 Đảng bộ Tỉnh Thanh Hóa được thành lập.

       Đối với Hậu Lộc, trong hoàn cảnh hoạt động bí mật, các đồng chí trong nhóm bí mật của Hậu Lộc đã liên lạc được với tổ chức Đảng trong tỉnh. Ngày 06/01/1935 tại làng Y Bích (xã Hải Lộc) chi bộ cộng sản đầu tiên được thành lập. Ngày 12/3/1940 dưới sự chỉ đạo của xứ ủy Trung kỳ, Đảng bộ huyện Hậu Lộc được thành lập tại thôn Trần Phú, xã Mỹ Lộc, đ/c Lưu Văn Bân được bầu làm Bí thư. Sự ra đời của Đảng bộ huyện Hậu Lộc ngày 12/3/1940 là một tất yếu khách quan, là sự kiện lịch sử lớn, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong phong trào cách mạng của huyện nhà. Trong 93 năm qua, từ một chi bộ với 03 đảng viên lên đảng bộ hiện nay là 48 tổ chức Đảng trực thuộc với gần 9.000 đảng viên. Đảng bộ huyện đã lãnh đạo nhân dân đạt được nhiều thắng lợi to lớn: Trong cách mạng giải phóng dân tộc, mặc dù tổ chức Đảng còn rất non trẻ, song với đường lối lãnh đạo đúng đắn, với các hình thức đấu tranh phong phú, sáng tạo và linh hoạt, Đảng bộ huyện Hậu Lộc đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành Chính quyền thắng lợi ngay trong ngày 19/8/1945. Trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, Hậu Lộc là một trong những căn cứ địa quan trọng, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, Nhân dân và lực lượng vũ trang trong huyện đã đánh bại nhiều cuộc càn quét với quy mô lớn của địch, phá huỷ nhiều phương tiện chiến tranh. Đồng thời, đóng góp hàng triệu đồng, hàng trăm lượng vàng, hàng ngàn tấn gạo và trên 10.000 người tham gia bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, du kích và hàng vạn người tham gia vận chuyển lương thực, đạn dược cho chiến dịch Điện Biên Phủ, góp phần cùng quân dân trong tỉnh và cả nước đánh thắng thực dân Pháp xâm lược. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đảng bộ đã lãnh đạo Nhân dân trong huyện vừa tiến hành xây dựng CNXH, vừa thực hiện nhiệm vụ chi viện cho cách mạng miền Nam. Nhất là khi giặc Mỹ leo thang đánh phá Miền Bắc quân và dân Hậu Lộc đã sát cánh cùng bộ đội chủ lực hiệp đồng chiến đấu, bắn rơi nhiều máy bay, bắt sống nhiều giặc lái lập nên nhiều kỳ tích vẻ vang. Cùng với lãnh đạo sản xuất, chiến đấu, bảo vệ quê hương Đảng bộ và Nhân dân trong huyện còn làm tròn trách nhiệm hậu phương đối với tiền tuyến lớn: Thực hiện khẩu hiệu "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người", "Tất cả vì tiền tuyến, tất cả vì Miền Nam ruột thịt"; Hậu Lộc đã tiễn đưa trên 10 ngàn thanh niên ưu tú vào bộ đội, trên 2.700 thanh niên xung phong và hàng ngàn người tham gia xây dựng các công trình quốc phòng và dân công hỏa tuyến, góp phần cùng quân dân cả nước giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước.

       Trong những năm 1975-1985, đất nước thống nhất, cả nước đi lên xây dựng CNXH. Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân tập trung hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục phát triển kinh tế, văn hoá xã hội, thực hiện đổi mới cơ chế quản lý trong sản xuất nông nghiệp theo tinh thần Chỉ thị 100 của Ban Bí thư TW. Nhiều công trình về kết cấu hạ tầng giao thông, thuỷ lợi lớn được xây dựng đã tạo bước phát triển mới, tạo niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

       Trong 83 năm qua, Đảng bộ huyện Hậu Lộc lãnh đạo nhân dân đạt được nhiều thắng lợi to lớn. Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân tích cực, hăng hái thực hiện đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo. Năm 2022 đã đi qua với nhiều thuận lợi và khó khăn thách thức đan xen. Được sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự quan tâm phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi của các ban, sở, ngành cấp tỉnh; cùng với sự đoàn kết, thống nhất, nỗ lực cố gắng vượt qua khó khăn của Đảng bộ, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân trong huyện, huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, huyện ta đã đạt được những kết quả quan trọng, tương đối toàn diện trên các lĩnh vực: cơ bản hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đặt ra, nhiều chỉ tiêu quan trọng vượt so với kế hoạch, như: giá trị sản xuất tăng 15,6% (vượt 0,6% so với KH); Thu ngân sách trên địa bàn đạt 476,9 tỷ đồng, vượt 58,6%, các doanh nghiệp phục hồi nhanh chóng sau đại dịch Covid-19, nhiều dự án quan trọng được triển khai thực hiện, tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Các hoạt động văn hóa - xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực, an sinh xã hội được đảm bảo. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững ổn định. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh được chú trọng.

       Những kết quả đạt được trong năm 2022 đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội mà Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVII nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra. Năm 2023, một năm có ý nghĩa hết sức quan trọng, năm bản lề thực hiện các mục tiêu kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, năm huyện phấn đấu hoàn thành đạt huyện nông thôn mới. Bên cạnh những thuận lợi còn rất nhiều khó khăn thách thức đan xen.

       Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, kế hoạch năm 2023 đã đề ra, đòi hỏi, Đảng bộ, Chính quyền, Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trong huyện phải giữ vững sự đoàn kết thống nhất, với tinh thần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, sáng tạo hơn nữa; tập trung huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, triển khai thực hiện các dự án, nhất là các dự án trọng điểm của tỉnh, của huyện; thu hút các doanh nghiệp đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện, tạo việc làm thu nhập cho người lao động; đồng thời quan tâm giải quyết tốt các vấn đề tồn đọng, vụ việc phát sinh, các vấn đề bức xúc trong nhân dân, giữ vững ổn định tình hình ngay từ cơ sở; Tiếp tục xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, lãnh đạo thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ đề ra trong năm 2023.

       Với truyền thống của Đảng bộ và quê hương Hậu Lộc, với quyết tâm cao và niềm tin sâu sắc vào sự nghiệp đổi mới, toàn thể cán bộ, đảng viên, chiến sỹ, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trong huyện tiếp tục giữ vững sự đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu vươn lên, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, xây dựng quê hương Hậu Lộc trở thành huyện Nông thôn mới và sớm trở thành huyện khá của tỉnh.

       Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, kế hoạch năm 2023 đã đề ra, Đảng bộ, Chính quyền, Nhân dân trong xã tiếp tục giữ vững sự đoàn kết thống nhất, với tinh thần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, sáng tạo hơn nữa; tập trung huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển, về mọi mặt trên địa bàn xã, mở rộng sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm thu nhập cho người lao động; đồng thời quan tâm giải quyết tốt các vấn đề tồn đọng, vụ việc phát sinh, các vấn đề bức xúc trong nhân dân, giữ vững ổn định tình hình an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội; Tiếp tục xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, lãnh đạo thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ đề ra trong năm 2023.

       Với truyền thống của Đảng bộ và với quyết tâm cao vào niềm tin sâu sắc vào sự nghiệp đổi mới, toàn thể cán bộ, đảng viên, và nhân dân trong xã tiếp tục giữ vững sự đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu vươn lên, vượt qua mọi khó khăn, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, xây dựng quê hương Tuy Lộc trở thành xã đạt  Nông thôn mới nâng cao.

       Kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đảng, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vô cùng tự hào vì đất nước ta có một Đảng cộng sản kiên cường, trung thành vô hạn với Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, với lợi ích của giai cấp công nhân và của dân tộc, có bản lĩnh chính trị vững vàng và dầy dạn kinh nghiệm trong đấu tranh cách mạng được Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, rèn luyện, đã luôn luôn xứng đáng với vai trò lãnh đạo để lãnh đạo Nhân dân ta, dân tộc ta giành thắng lợi này đến thắng lợi khác, làm nên những kỳ tích to lớn trong lịch sử dân tộc và góp phần xây dựng nền hoà bình, phát triển trong lịch sử, tạo nên một Việt Nam ngày càng có uy tín, vị thế trên thế giới.

            - Đảng cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm!

            - Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam muôn năm!

            - Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta!

BAN TUYÊN GIÁO ĐẢNG ỦY XÃ TUY LỘC

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ TUY LỘC - HUYỆN HẬU LỘC

Chịu trách nhiệm: TRƯƠNG QUỐC HUY ; CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN XÃ TUY LỘC

Địa chỉ: Thôn cách xã Tuy Lộc, huyện Hậu Lộc, Tỉnh Thanh Hoá

Số điện thoại:0982381484

Website được thiết kế bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông Thanh Hóa